Cậu bé bụi đời trở thành 'triệu phú đô la Sài thành'
Nhà sưu tầm đồ cổ Hoàng Văn Cường từ thuở lên 10 đã chập chững xa gia đình tìm cơ hội đổi đời. Ông nhẹ nhàng và tình cảm đưa chúng tôi vào câu chuyện đời với hai nghiệp sinh - tử và thế giới tâm linh của những cổ vật vốn vô tri vô giác...
Hoàng Văn Cường xa gia đình khi vừa tròn 10 tuổi, để tìm cơ hội thay đổi số phận nghèo đói và nhẹ gánh mưu sinh cho cha mẹ, nhường miếng ăn cho đàn em nheo nhóc. Đứa bé quê ra thành thị với vốn lận lưng chỉ có sự chính trực và dòng máu bốn đời buôn bán cổ vật, làm đủ nghề như đánh giày, bán báo... đã trở thành triệu phú đô la sau năm năm lăn lộn giữa dòng đời.
Nghe đến xuất thân của nhà sưu tầm Hoàng Văn Cường (SN 1949, tại Huế), ai cũng ngạc nhiên khi ông không chọn con đường mà gia tộc đã định hình từ bốn đời trước truyền lại là buôn cổ vật để kiếm sống. Ông không đi con đường dễ dàng và cũng chưa ngày nào hối hận về những quyết định từ lúc ấu thơ. Họ Hoàng có bốn đời sống bằng nghề buôn cổ vật và nổi tiếng khắp các tỉnh miền Trung. Đến đời cha của Hoàng Văn Cường, nghề vẫn được lưu giữ và làm ăn cũng khá thuận lợi. Tuy nhiên, gia đình đông miệng ăn, làm ra bao nhiêu chi tiêu hết bấy nhiêu. Thời buổi loạn lạc, giặc hay sách nhiễu, kẻ làm nghề buôn bán cổ vật gặp lắm trắc trở.
Năm tròn 10 tuổi, ông đã cảm nhận được cái hèn của sự nghèo đói, cái khổ của sự túng quẫn. Nhìn cha vất vả, mẹ tất tả mưu sinh trên mảnh đất miền Trung nhiều nỗi bí bách của chiến tranh và khắc nghiệt của tự nhiên, ông thèm cảm giác được làm ra đồng tiền để đỡ đần cha mẹ. Không hiểu ma lực nào đã xui đứa trẻ làm chuyện mà người lớn thời đó chưa dám nghĩ đến: Rời quê hương lên thành thị tìm việc và biến nó thành hiện thực. Ông đi trong tay không có một đồng, không hành trang mang theo. Thằng nhóc con 10 tuổi, thân hình ốm teo, ăn chưa no lo chưa tới đã nhảy vụt lên tàu hỏa đi về phía có ánh sáng đô thành nhộn nhịp khi bên cạnh không có một ai thân thích.
Chuyến tàu cuộc đời đưa cậu bé Hoàng Văn Cường đến Đà Nẵng, vùng đất hứa cách xa quê hương hơn 200km. Lạc lõng, bơ vơ ở những giờ phút ban đầu rồi cũng chậm chạp bước qua, ông tự an ủi mình, dù ở đâu cũng có đồng bào của mình, cũng có người tốt, không lẽ gì phải sợ, ở đâu cũng vẫn trên đất nước Việt Nam. Ông hòa vào dòng người thành thị, ngỡ ngàng trước sự xô bồ, náo nhiệt và rồi băn khoăn tìm cách mưu sinh. Bán báo, đánh giày là những cái nghề tay trái của đám trẻ bụi đời chuyên dùng tay phải để móc túi những đại gia lắm tiền sơ hở. Cậu bé Cường cũng đi bụi, cũng lay lắt trên trường đời, nhưng cậu bán báo, đánh giày bằng cả hai tay và không mảy may đến những đồng tiền bất lương.
Và triệu phú đô la tuổi 15
Rời Đà Nẵng vào Sài Gòn, Hoàng Văn Cường tiếp tục thử sức ở một môi trường mới khắc nghiệt và nhiều cám dỗ hơn. Vẫn đánh giày, bán báo trên mọi ngõ ngách của đời sống đô thành, cậu bé Cường gầy còm phải nỗ lực gấp bội lần để vừa có tiền nuôi sống bản thân vừa để đi học. Những giờ phút bên sách vở ở các lớp bình dân học vụ hiếm hoi nhưng đã nuôi nguồn hy vọng đổi đời cho đoạn đời tha phương cầu thực của ông.
Ông lần tìm đến những nhà hàng, quán bar để đánh giày, bán báo, thường ông chọn ngồi một góc quan sát cách ăn nói, đi đứng của giới thượng lưu để dễ dàng nắm được tâm ý của họ để phục vụ cho tốt. Có lẽ, ông biết cách chiều khách nên rất được lòng khách sang và đắt khách. Ông không giống như những đứa trẻ đánh giày khác, tìm đến bar để móc túi, giật đồ...
Cuối cùng, phần thưởng xứng đáng cho sự thật thà của Cường cũng đến và nó mãi mãi thay đổi cuộc đời của một đứa bé tha hương. Trước vẻ cương trực, ngay thẳng hơn người của đứa bé lang thang, một sỹ quan Mỹ đi bar bước đến bắt chuyện với Cường. Người sỹ quan này bỡ ngỡ, xen chút khâm phục trước nghị lực sống của đứa trẻ xa quê nên đã không ngại ngần đưa Cường về nơi đóng quân của lính Mỹ để mở rộng tầm mắt. Cường đón từ tay viên sỹ quan lon Coca và một đĩa thức ăn rồi ngấu nghiến mùi vị thứ mà đến 14 tuổi cậu vẫn chưa một lần biết đến.
Trong lúc ngồi ăn, Cường không quên quan sát những điều mới mẻ ở nơi người ngoài bất khả xâm phạm. Chính cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên ấy đã đưa cuộc đời đứa trẻ bụi đời sang một trang mới. Để đền đáp ơn viên sỹ quan, Hoàng Văn Cường gom quần áo bẩn của người này đến tiệm giặt ủi bên ngoài thường dân và mướn họ giặt sạch, rồi mang về doanh trại lính Mỹ trả.
Nhìn thấy ánh mắt vui vẻ của viên sỹ quan khi nhận gói quần áo thơm phức, ông mạnh dạn đề nghị được ra vào doanh trại của lính Mỹ để thu gom quần áo dơ ra ngoài giặt với tiền công vừa phải. Tất nhiên, lối suy nghĩ hữu dụng của đứa trẻ bụi đời liền được binh lính Mỹ hài lòng đồng ý. Thế là, mỗi ngày, ông đi dọc hết các phòng, hành lang nhặt những bộ quân phục khét mùi đạn pháo, nồng nặc mùi rượu bia mang đến các tiệm giặt ủi tư nhân. Công việc của ông tạo việc làm cho không ít người lao động bình dân, không nặng nhọc, bỏ một chút công sức lại được trả tiền hậu hĩnh.
Ông nhớ: "Tôi đâu ngờ có ngày mình kiếm ra được nhiều tiền đến vậy, mà tiền đô la nữa chứ. Đời dạy đời, nghề dạy nghề. Sau 6 tháng, tay tôi nắm hàng triệu đô la và đầu tôi nghĩ ra hàng tá cách làm giàu từ những khách hàng mặc quân phục. Tôi thầu luôn việc cung cấp thực phẩm tươi sống cho bếp ăn trong doanh trại Mỹ, thầu luôn phế liệu trong doanh trại để bán ra nước ngoài".
"Khi 15 - 16 tuổi đời, tôi nắm trong tay cả triệu đô la Mỹ, có tiền tôi có cơ hội giao lưu với nhiều giới, trí thức, doanh nhân. Tôi nghĩ ra hàng trăm cách để làm giàu thêm kho kiến thức lẫn kho tài sản", nhà sưu tầm Hoàng Văn Cường chia sẻ.
Trong những ngày thu nhặt phế liệu, ông Cường lặng lẽ quan sát và đau lòng trước thảm cảnh cổ vật của đất nước bị bán ra nước ngoài. Vốn kiến thức của bốn đời buôn đồ cổ cho ông biết những vật quý giá mà người Việt cần gìn giữ đang bị tuồn ra ngoại quốc chỉ với mấy đồng bạc rẻ rúng. Kể từ ngày đó, ông lặng lẽ gom về kho tài sản cổ vật của mình những vật phẩm thuộc về quá khứ.
Không có nhận xét nào...Leave one now
Nhận Xét
- Cảm ơn đã ghé thăm blog
- Vui lòng để lại lời bình nếu có thắc mắc, góp ý.